Những rủi ro khi làm Coaching như nghề tay trái
Bạn sẽ phải đối mặt với những rủi ro nào nếu như bạn vẫn đang làm một công việc full-time, và coaching chỉ là nghề tay trái của bạn?
Duy trì song song cả việc làm toàn thời gian và công việc tay trái coaching không hề dễ dàng, sẽ có những rủi ro đi kèm.
Hãy thận trọng hết sức có thể để không đặt mình vào những tình huống không cần thiết và luôn chuẩn bị phương án dự phòng để phòng ngừa rủi ro.
Vậy những rủi ro này là gì, và làm thế nào để bạn có thể tránh chúng?
#1: Bỏ việc sai thời điểm
Bạn thấy bản thân đã THỰC SỰ sẵn sàng bước vào hành trình kinh doanh coaching một cách độc lập chưa?
Tôi chắc rằng viễn cảnh có thể làm chủ thời gian và hàng ngày gặp khách hàng, trò chuyện và coach cho họ tại các quán cà phê nghe rất tuyệt vời. Có thể bạn đang cảm thấy vô cùng háo hức muốn chuyển ngay từ một nhân viên toàn thời gian sang một người làm tự do, coachpreneur và theo đuổi cuộc sống trong mơ của mình.
Tôi cũng đã từng trải qua giai đoạn này nên tôi rất hiểu cảm giác khi ấy. Tiếng nói vọng lên trong lòng tôi khi ấy là: “Nếu mình nghỉ việc full-time và làm một coach độc lập, mình sẽ có nhiều thời gian chăm sóc bản thân, hàng ngày ra quán cà phê làm việc và trò chuyện với những người mình thích. Mình sẽ tham gia rất nhiều cộng đồng và quen nhiều đồng môn. Như một giấc mơ vậy!”
Chính xác thì hiện nay cuộc sống của tôi đang diễn ra đúng như thế. Tuy nhiên, đó là mặt tích cực của vấn đề. Và đó cũng là nhờ tôi đã được hỗ trợ, đồng hành và dẫn dắt bởi những cộng đồng chuyên môn, những người đồng nghiệp, mentor,… trên hành trình này, nhằm vượt qua rất nhiều trở ngại khi đi ra ngoài làm một coach độc lập.
Trước khi có được cuộc sống như bây giờ, tôi cũng đã từng trải qua những lo lắng khi đang từ nhân viên toàn thời gian quyết định xin nghỉ và đi ra ngoài. Những câu hỏi như: “Nhỡ đâu mình không sống được với nghề?”, hay thậm chí “Nhỡ đâu khi làm việc một mình, mình lại trở nên lười biếng, vô kỷ luật và bỏ bê công việc?” chính là những tảng đá ngáng đường tôi lại. Tôi đã phải suy nghĩ rất kỹ trước khi hẹn người sếp của mình để nói về chuyện xin nghỉ việc.
Trước khi bạn thực hiện bất kỳ bước chuyển đổi nào, bạn cần phải đánh giá vị trí hiện tại của mình. Đây có thể là một cơ hội tốt, hoặc cũng có thể bạn đang đối mặt với một rủi ro lớn mà sẽ làm bạn hối hận trong một thời gian dài.
Làm thế nào để tránh điều đó?
Hãy thực tế.
Đúng thế, công việc coaching có thể giúp bạn duy trì cuộc sống, nhưng có thể sẽ mất một thời gian để đạt được điều đó. Cho tới lúc đó, bạn cần nguồn tiền đều đặn vì các hóa đơn và các khoản phải trả không thông cảm với tình hình tài chính của bạn.
Vậy khi nào là thời điểm thích hợp để bạn từ bỏ công việc toàn thời gian của mình?
Đừng đưa ra quyết định cảm tính. Có thể đã có một số thời điểm bạn không hài lòng hoặc phải trải qua những tình huống khó chịu tại nơi làm việc. Sếp khiển trách một câu. Đồng nghiệp không hợp tác. Cảm xúc không hài lòng có thể đang lấn át và ảnh hưởng đến quyết định của bạn.
Có thể bạn đã bắt đầu cảm nhận được một số tín hiệu tích cực trong công việc coaching của mình. Trong đầu bạn có thể cảm thấy vị trí của bản thân mình trong lĩnh vực này đã được công nhận. Bạn cảm thấy chắc là mình sẽ có được một lượng khách hàng ổn định xuyên suốt. Thế nhưng, liệu nó đã thực sự phát triển đủ để duy trì tài chính trên một chặng đường dài cho bạn chưa?
Và mặt khác, nếu công việc coaching của bạn không hoạt động tốt, cũng chưa chắc là do bạn thiếu thời gian dành cho nó. Có thể bạn đang đi sai hướng, hoặc thiếu kiến thức, kinh nghiệm,… vậy nên việc ngay lập tức nghỉ việc để tập trung cho coaching chưa chắc đã là một giải pháp.
Nếu bạn vẫn quyết dịnh nghỉ, hãy dành chút thời gian và thu thập các hóa đơn hoặc báo cáo tài chính cá nhân của bạn trong vài tháng qua. Nếu có thể, trong 12 tháng qua. Phân tích nó và liệt kê chi tiết tất cả các chi phí của bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn đã tính đến các hóa đơn tiện ích, bảo hiểm, thanh toán thế chấp, khoản vay, cửa hàng tạp hóa và bất cứ thứ gì khác. Nhớ thống kê cả những chi phí cố định thường niên hoặc bán niên. Và bây giờ, hãy tính toán chi tiêu hàng tháng thực tế của bạn.
Phụ thuộc vào tuổi tác và hoàn cảnh sống, mỗi người có một mức chi tiêu khác nhau. Nhưng có một nguyên tắc chung là nếu bạn muốn ra làm coach tự do, công việc coaching này phải tạo ra đủ lợi nhuận để trang trải chi phí hàng tháng của bạn một cách đều đặn.
Mà không chỉ vừa đủ để trang trải các chi phí cần thiết. Nó cần phải tạo ra đủ lợi nhuận để bạn sống được trong ít nhất 4-6 tháng nếu như có rủi ro phát sinh và bạn không kiếm được khách hàng.
Bạn có đảm bảo được điểm này không?
Thực ra, còn một lựa chọn khác là chuyển công việc toàn thời gian hiện tại thành công việc bán thời gian. Bạn có thể dùng công việc bán thời gian để có thêm thu nhập, và dành toàn bộ thời gian tập trung cho coaching.
Không việc gì phải vội vàng cả. Đây là một cuộc chạy marathon, không phải chạy nước rút.
#2: Pháp lý
Sau khi đã dành rất nhiều thời gian và công sức để xây dựng doanh nghiệp khai vấn, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với bạn là bị vướng vào rắc rối pháp lý.
Bên cạnh những rắc rối tài chính, nó cũng để lại những hậu quả vô hình khiến bạn căng thẳng tột độ và làm suy sụp tinh thần của bạn. Và trên hết, bạn không muốn mạo hiểm đánh mất với công việc coaching đã cất công gây dựng.
Vì vậy, những rủi ro pháp lý là gì và làm thế nào bạn có thể tránh chúng?
Thuế
Thu nhập mà bạn kiếm được từ các hoạt động khai vấn không được miễn thuế.
Theo một cuộc khảo sát, cứ 4 người kiếm tiền từ việc làm thêm thì có 1 người không kê khai thu nhập.
Hãy đảm bảo rằng bạn đang kê khai và nộp thuế đúng quy định và đúng thời hạn để không bị cơ quan thuế động đến và dính líu đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Nhận thức được những gì bạn ký
Nếu bạn vẫn đang làm công việc toàn thời gian, hãy đọc kỹ những thỏa thuận mà nhà tuyển dụng đã yêu cầu bạn ký. Hãy để đảm bảo công việc kinh doanh tay trái của mình không vi phạm những thoả thuận này. Sẽ có một vài thỏa thuận phổ biến như: